Giá hàng hóa tăng đồng loạt, ngoại trừ đậu tương vẫn giảm vì căng thẳng thương mại Trung - Mỹ.
Dầu tăng do lo lắng về nguồn cung ở Iran, Libya và Canada
Giá dầu Mỹ tăng trong phiên đầu tuần bởi dự báo cơ sở của Canada có thể sẽ ngừng sản xuất tới tháng 9, trong khi dầu Brent tăng bởi việc trừng phạt Iran và sản lượng giảm ở Libya.
Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) đóng cửa phiên 9/7 tăng 5 US cent lên 73,85 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 96 US cent lên 78,07 USD/thùng.
Tại Canada, cơ sở sản xuất dầu cát Syncrude có công suất 360.000 thùng/ngày (nơi cung cấp dầu tới điểm giao hàng Cushing, Oklahoma của Mỹ) vẫn đang ngừng hoạt động, là một trong những nguyên nhân khiến lượng dầu trữ ở Cushing giảm xuống mức thấp nhất 3,5 năm trong tuần qua. Còn tại Libya, trong 5 tháng qua sản lượng dầu đã giảm một nửa xuống chỉ 527.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, thị trường đang lo sợ không biết Saudi Arabia có bù đắp đủ số dầu giảm đi từ Iran hay không. Mỹ muốn Iran – nước sản xuất dầu lớn thứ 5 thế giới – phải giảm xuất khẩu dầu về con số 0 kể từ tháng 11 tới, điều đó sẽ buộc những nước sản xuất lớn khác phải bơm thêm dầu để bù vào chỗ sụt giảm đó. Ngay hiện tại, các nhà máy lọc dầu châu Âu và Hàn Quốc đã giảm lượng mua dầu Iran về mức gần 0, và "Chúng tôi thấy thị trường có xu hướng tăng giá bởi lo ngại gia tăng về lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran", Chủ tịch Lipow Oil Associates, ông Andrew Lipow cho biết.
Vàng cao nhất 2 tuần; bạc, bạch kim và palađi cũng tăng
Giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ 26/6 do USD yếu đi và NDT hồi phục sau khi giảm thấp trong tháng 6 vừa qua. Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.258 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.265,87 USD/ounce (cao nhất 2 tuần); vàng Mỹ giao tháng 8 tăng 3,8 USD tương đương 0,3% lên 1.259,60 USD/ounce. Một số nhà đầu tư đang tích cực mua vào sau đợt giá hạ vừa qua. Hiện giá vàng vẫn quanh mức thấp gần như vào tháng 12 năm ngoái.
"Chắc chắn đồng NDT sẽ còn tiếp tục biến động, nhưng có lẽ sẽ không giảm mạnh, vậy nên thị trường vàng lại đang theo sự chi phối của diễn biến đồng USD", chiến lược gia hàng hóa Georgette Boele của ABN AMRO nhận định.
Tháng 6 vừa qua, NDT trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh nhất trong lịch sử so với USD, nhưng đồng tiền này đã quay đầu tăng trong phiên vừa qua. Chỉ số dollar index yếu đi vào đầu phiên trong khhi đồng EUR tăng vì dự báo ngân hàng trung ương châu Âu tháng này có thể quyết định dừng mua trái phiếu chính phủ, nhưng USD đã hồi phục vào cuối phiên.
Về các kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,6% lên 16,10 USD/ounce, bạch kim tăng 0,4% lên 844 USD/ounce (giá cả 2 kim loại quý này lúc đầu phiên đều tăng lên mức cao nhất kể từ 27/6); còn palađi tăng 0,5% lên 958 USD/ounce (đầu phiên cũng đạt mức cao nhất kể từ 21/6 là 967,50 USD).
Sắt thép tăng do tồn trữ giảm
Giá thép đi lên sau số liệu cho thấy tồn trữ giảm và khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích kinh tế để bù đắp những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại tới nền kinh tế này. Thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 1,6% lên 3.830 NDT (578,51 USD)/tấn. Nguyên liệu ngành thép cũng tăng theo, trong đó quặng sắt trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 0,9% lên 461,5 NDT/tấn, còn than luyện cốc kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,8% lên 1.157,5 NDT/tấn trong khi than cốc tăng 1,4% lên 2.031 NDT/tấn.
Tồn trữ sản phẩm thép của các thương gia Trung Quốc – chỉ báo về nhu cầu thị trường – tuần qua giảm 154.600 tấn xuống 10,1 triệu tấn tính tới 6/7, trái với xu hướng tăng của 2 tuần trước đó. Lượng quặng sắt nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc cũng giảm 2,37 triệu tấn xuống 153,42 triệu tấn trong tuần vừa qua khi các nhà máy thép ở thành phố Xuzhou của Giang Tô (tỉnh sản xuất thép lớn thứ 2 tại Trung Quốc) chuẩn bị khôi phục sản xuất sau 2,5 tháng tạm ngừng để nâng cấp đáp ứng các quy chuẩn về môi trường. Những số liệu này làm giảm lo ngại về tình trạng nguồn cung thép tại Trung Quốc thường dư thừa trong dịp Hè.
Thị trường thép thế giới vẫn đang khởi sắc. Sản lượng tăng không chỉ ở Trung Quốc, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cũng vừa cho biết sản lượng thép thô của nước này trong quý 3 có thể tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,54 triệu tấn do nhu cầu trong nước mạnh, xuất phát từ lĩnh vực ô tô. Nếu đúng như dự đoán, sản lượng thép thô của Nhật sẽ tăng 4 quý liên tiếp. Xuất khẩu – thường chiếm khoảng 40% sản lượng thép Nhật – dự báo cũng sẽ tăng 1,1% cùng quý, bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và Mỹ tăng thuế lên mặt hàng thép.
Thị trường thép đang dõi theo căng thẳng thương mại Mỹ Trung. Mỹ đã áp tăng thuế đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc bắt đầu từ 6/7, khiến Trung Quốc áp thuế trả đũa ngay sau đó. Nhưng, đúng như dự kiến, Trung Quốc chưa áp thuế mới đối với quặng sắt.
Cao su rời khỏi mức thấp nhất 21 tháng
Giá cao su thiên nhiên trên sàn Tokyo tăng theo du hướng giá tại Thượng Hải và bởi giá dầu tăng, rời xa mức thấp nhất 21 tháng của phiên 5/7. Kết thúc phiên vừa qua, cao su giao tháng 12 tại Tokyo tăng 3,2 JPY lên 174,6 JPY (1,58 USD)/kg; tại Thượng Hải hợp đồng giao tháng 9 tăng 140 NDT lên 10.495 NDT (1.568 USD)/tấn.
Tuy nhiên, thị xu hướng tăng khó bền vững bởi tồn trữ mặt hàng này đang tăng ở cả Nhật Bản và Trung Quốc, trong khi nhiều nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang có thể ảnh hưởng tới nhu cầu mặt hàng này.
Sầu riêng tăng giá do khan hàng
Giá sầu riêng tại Trung Quốc đang tăng lên do thiếu cung từ các nhà cung cấp chủ chốt là Thái Lan và Việt Nam. Hiện đã cuối vụ thu hoạch ở miền Đông Thái Lan cũng như ở Việt Nam, trong khi vụ thu hoạch ở miền Nam Thái Lan phải chờ đến cuối năm. Như vậy, trong mấy tháng tới tình trạng thiếu cung sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, nhu cầu tại thị trường này vẫn không ngừng tăng.
Đậu tương giảm vì căng thẳng Mỹ - Trung
Giá đậu tương giảm do lo ngại nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm sau khi Mỹ tăng thuế lên đậu tương Trung Quốc trong bối cảnh điều kiện thời tiết ở các vùng trồng đậu tương của Mỹ thuận lợi hứa hẹn được mùa. Đậu tương giao tháng 8 trên sàn Chicago giảm 21-3/4 US cent tương đương 2,5% xuống 8,55-3/4 USD/bushel, mất hơn một nửa mức tăng mạnh 4,5% của phiên trước đó; hợp đồng kỳ hạn tháng 11 cũng giảm 22-1/2 US cent tương đương 2,5% xuống 8,72 USD/bushel.
Việc Trung Quốc áp thuế 25% lên đậu tương Mỹ dự kiến sẽ giúp Brazil hưởng lợi. Về phía Trung Quốc, để giảm thiểu ảnh hưởng từ động thái này, Chính phủ vừa thông báo sẽ sẽ hoàn thuế cho những lô đậu tương nhập khẩu vì mục tiêu dự trữ quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét