Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Giá dầu hôm nay (11/7) giảm do thiếu hụt nguồn cung từ Iran không quá nghiêm trọng

Giá dầu hôm nay (11/7) giảm vào đầu phiên do thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Iran sẽ không nghiêm trọng như dự đoán trước đó.
Tại thời điểm 6h37 ngày 11/7, giá dầu WTI và dầu Brent giảm lần lượt 0,19% và 0,13% xuống 73,98 USD/thùng và 78,8 USD/thùng.
Giá dầu hôm nay (11/7) giảm do tình trạng thiếu hụt dầu ở Iran có thể không quá nghiêm trọng
Giá dầu cuối phiên giao dịch hôm thứ Ba (10/7) tăng, dù giảm mạnh so với đỉnh phiên do thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu từ Iran sẽ không nghiêm trọng như nhiều người dự đoán trước đó. Điều này làm giảm khả năng thị trường dầu thô toàn cầu bị thiếu hụt nguồn cung.
Tại Sàn giao dịch Hàng hóa New York, giá dầu WTI giao trong tháng 8 tăng 26 cent lên 74,11 USD/thùng. Trong khi đó, tại Sàn giao dịch Liên lục địa London, giá dầu Brent tăng 84 cent lên 78,91 USD/thùng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc lùi thời hạn áp đặt lệnh ngừng mua dầu thô Iran đối với một số nước.
Bình luận của ông Pompeo trái ngược hoàn toàn so với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hai tuần trước đó rằng tất các nước đều phải giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran trước tháng 11, nếu không sẽ phải hứng chịu trừng phạt nặng nề.
Mỏ dầu Knarr ở Na Uy hôm thứ Ba phải đóng cửa do 669 công nhân khu vực khai thác đình công vì vấn đề tiền lương. Sản lượng khai thác ở mỏ Knarr đạt 23.000 thùng/ngày.
Công ty Suncor Energy hôm thứ Hai cho hay mỏ dầu Syncrude sẽ đi vào khai thác trở lại vào tháng 7, sớm hơn so với dự kiến và đạt được công suất tối đa vào tháng 9. Điều này có thể đẩy nguồn cung khu vực Bắc Mỹ trong bối cảnh tồn kho ở kho Cushing, bang Oklahoma giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm rưỡi.
Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tồn kho dầu thế giới dưới tác động của sản lượng dầu thô Libya giảm, trong khi OPEC tăng nguồn cung.
Sản lượng dầu ở Libya giảm xuống còn 527.000 thùng/ngày so với ngưỡng 1,28 triệu thùng/ngày hồi tháng 2. Trong khi đó, sản lượng của Arab Saudi tăng 485.000 thùng/ngày trong tháng 6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét