Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran xung quanh chương trình hạt nh��n: Cả làng cùng thiệt?

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran không chỉ ảnh hưởng tới chính những người trong cuộc mà còn tác động trên quy mô thế giới.
Dầu mỏ đang trở thành "con tin" trong cuộc đối đầu đầy gay cấn giữa hai chiến tuyến. Mỹ đang sử dụng các trừng phạt kinh tế để đạt được mục đích, nhằm ngăn Iran phát triển chương trình hạt nhân, và thông điệp được Nhà trắng đưa ra với thế giới là hãy cùng chúng tôi siết chặt trừng phạt Iran, nếu không các nước cũng bị ảnh hưởng… Cuộc đối đầu này sẽ gây tác động như thế nào tới tình hình thế giới? Đây cũng là chủ đề được phân tích trong chương trình Toàn cảnh thế giới với vị khách mời là nhà báo Phạm Phú Phúc, người đã có nhiều năm thường trú tại khu vực Trung Đông và Mỹ.
Giá dầu thế giới hiện đang giao dịch xung quanh mức từ 70 đến 80 USD/thùng. Giới phân tích thị trường dự đoán, nếu kế hoạch của Mỹ được thực thi thành công, giá dầu sẽ tăng lên gấp đôi ở mức 150 USD/thùng trong vài tháng nữa, tức là cao hơn mức kỷ lục 147USD/ thùng vào tháng 7/2008. Dự báo, nếu ngành xuất khẩu dầu của Iran bị bóp nghẹt, thị trường toàn cầu sẽ phải đối mặt với mức thâm hụt 1,5 triệu thùng/ngày vào quý IV năm nay, trong khi các nguồn cung chưa kịp chuẩn bị để đáp ứng mức thâm hụt này. Đó sẽ là một thời điểm nguy hiểm trong chu kỳ dầu toàn cầu.
Đánh giá tình hình sự đối đầu giữa Mỹ và Iran, Iran chưa chưa ra hỏi chương trình hạt nhân mà thế giới đã nóng lên, giá dầu tăng lên từng ngày.
"Điều đầu tiên là nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu có thể lên 160 USD/thùng. Thứ hai là Iran chịu lệnh trừng phạt nghiệt ngã của Mỹ, kéo theo quan hệ Mỹ - Iran rất xấu, thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự. Hơn nữa, tình hình Trung Đông cực kỳ căng thẳng. Một điều cực kỳ nguy hiểm là nếu Iran rút khỏi chương trình hạt nhân, thì nước này sẽ dùng một vũ khí sắc bén là đóng cửa eo biển Hormuz. Rõ ràng nền kinh tế này có sống được hay không là nhờ nguồn dầu mỏ Trung Đông, trong đó 3/4 lượng dầu từ Trung Đông lại đi qua eo biển Hormuz", nhà báo Phạm Phú Phúc cho biết.
Hiện tại, phía Iran tỏ ra không nhượng bộ trước sức ép kinh tế của Mỹ. Hiện Iran cũng đang bắt đầu các phương án đáp trả. Trong đó, một phương án là gây sức ép lên châu Âu đưa ra hỗ trợ kinh tế với nước này, nếu không sẽ rút khỏi thoả thuận hạt nhân. Cuộc đọ sức lần này sẽ không phải là câu chuyện của riêng Mỹ và Iran. Đó còn là câu chuyện của dầu mỏ, của khu vực Trung Đông và của các đồng minh của Mỹ.
Châu Âu cũng như Nga và Trung Quốc đã lên tiếng phản đối những hành động trừng phạt đơn phương. Họ sẽ phải thuyết phục Mỹ giảm nhiệt các lệnh trừng phạt, và đưa ra các giải pháp để Iran có thể nhượng bộ, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Thế nhưng, các triển vọng theo đuổi con đường ngoại giao nghiêm túc là một thách thức to lớn đối với tất cả các bên. Mỹ đang tỏ ra rất cứng rắn.
Còn với Iran, ban lãnh đạo của nước này lâu nay chia rẽ sâu sắc về quyết định sẽ làm gì tiếp theo và phải bắt đầu từ đâu. Giới quan sát cho rằng, Iran sẽ phản ứng kiềm chế, bởi nếu tiếp tục đẩy tình hình căng thẳng, điều đó chỉ có nguy cơ đẩy Tehran vào những tình trạng tồi tệ hơn. Cuối cùng, vẫn cần dành những cơ hội cho giải pháp ngoại giao để tìm hướng đi cho hồ sơ hạt nhân căng thẳng nhất hiện nay. Đó cũng là cách để hạ nhiệt thị trường dầu mỏ và ổn định tình hình Trung Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét