Bỏ qua nhiều bước trong quá trình thẩm định đến kiểm tra sau vay đối với khoản cấp tín dụng, tâm lý "biết sai vẫn làm" là những nguyên nhân chính dẫn đến con đường "xộ khám" của nhóm cá nhân tại BIDV trong vụ án Phạm Công Danh.
Trong vụ án sai phạm tại VNCB, ông Phạm Công Danh đã thành lập và lập hồ sơ khống nhiều công ty sau đó vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV với tài sản bảo đảm là tiền gửi liên ngân hàng của VNCB. Tổng thiệt hại của VNCB tại vụ án này là 6.127 tỷ đồng, trong đó số tiền thiệt hại tại BIDV là 2.551 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng chỉ có 3 cán bộ nhân viên tại BIDV Chi nhánh Gia Định bị truy tố theo khoản vay của Công ty Phong Hiệp (gây thiệt hại 337 tỷ đồng). Gồm có ông Hoàng Long Hà - nguyên Phó Giám đốc, Nguyễn Ngọc Sơn - nguyên trưởng phòng khách hàng 1 và Nguyễn Vũ Bảo - nguyên chuyên viên phòng khách hàng 1.
Con đường dẫn 3 cán bộ BIDV vào vòng lao lý trong vụ án Phạm Công Danh (Ảnh minh hoạ)
VNCB bảo lãnh cho thành viên HĐQT vay vốn tại TCTD khác là vi phạm Luật các TCTD
Theo cáo trạng mới nhất của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các cá nhân này là người chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tiếp xúc khách hàng, kiểm tra hồ sơ, thẩm định, quyết định cấp tín dụng và giải ngân cho Công ty Phong Hiệp vay 430 tỷ đồng. Trong hồ sơ vay vốn công ty có các tài liệu: Biên bản họp HĐQT VNCB ngày 30/10/2013 về thống nhất chủ trương hỗ trợ Công ty Phong Hiệp tìm kiếm nguồn vốn để thu mua nguyên vật liệu xây dựng và thống nhất cho vay và hỗ trợ công ty vay vón tại BIDV.
Hai biên bản này có chữ ký của ông Trần Hiệp - thành viên HĐQT VNCB và đồng thời là giám đốc Công ty Phong Hiệp.
Khi thực hiện trách nhiệm của mình trong việc quyết định cấp tín dụng, giải ngân cho Công ty Phong Hiệp vay 430 tỷ đồng thì ba cá nhân tại BIDV biết rõ VNCB bảo lãnh cho ông Hiệp vay tiền tại BIDV là vi phạm Điều 126 Luật các TCTD 2010. Theo luật quy định TCTD không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để TCTD khác cấp tín dụng cho đối tượng là thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ông Hà, Bảo và Sơn vẫn quyết định cho vay dẫn đến hậy quả là Công ty Phong Hiệp không trả được nợ và BIDV bằng tiền gửi của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB 337 tỷ đồng.
Nhiều sai phạm trong quá trình vay vốn bị "ngó lơ"
Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đến giải ngân và kiểm tra sau vay còn có nhiều sai phạm như: không nhận hồ sơ vay vốn là Trần Hiệp mà nhận từ nhân viên VNCB; món vay trên 300 tỷ đồng nhưng báo cáo tài chính không được kiểm toán và lập phiếu điều tra khách hàng; không thẩm tra khách hàng theo quy định.
Thêm vào đó, kết luận thẩm định phương án vay là khả thi nhưng thực tế là không khả thi vì hồ sơ vay lập khống, công ty Phong Hiệp không có hoạt động kinh doanh, không có nhân viên, không nộp thuế, vi phạm quy định của NHNN về cho vay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét